Xin chào các bạn!
Trước tiên, mình xin gửi lại đường liên kết đến các bài viết trước để các bạn tiện theo dõi:
- (1) - Dịch cách xưng hô không phù hợp, thiếu nhất quán
- (2) - Thiếu sự tra cứu phù hợp
- (3) - Lặp từ nhiều lần không cần thiết trong cùng một câu
- (4) - Một số vấn đề thường gặp về giao tiếp với khách hàng
- (5) - Dịch máy móc theo cấu trúc câu gốc
- (6) - Không dùng dấu phẩy ngăn cách các thành phần câu theo ngữ pháp tiếng Việt
- (7) - Dùng từ chỉ thời gian không phù hợp
Trong tháng vừa qua, số lượng bài GoCheck tăng đột xuất so với các tháng trước, nhưng thật may là chất lượng các bài dịch nhìn chung khá ổn. Thực ra là có nhiều bài dịch tốt và rất tốt, mình đã phải bấm nhận xét “Good” mỏi cả tay, đến mức chẳng muốn nhận xét thêm nữa ^^. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều trường hợp thiếu sự tra cứu phù hợp hoặc dịch máy móc dẫn đến câu dịch thiếu chính xác, không rõ nghĩa và thiếu tự nhiên. Hy vọng là tất cả các bạn (cả cấp độ Standard và Pro) đều không ngừng rèn luyện để nâng cao chất lượng dịch hơn nữa!
Còn bây giờ, mình sẽ đề cập đến một vấn đề nhỏ thôi nhưng xuất hiện khá nhiều lần trong thời gian qua, đó là: Viết thứ, ngày, tháng, năm chưa phù hợp với quy tắc trong tiếng Việt.
Chúng ta cùng xem các ví dụ sau đây nhé:
|
Câu gốc |
Câu dịch |
1 |
Date Sent to Parents: 11/2/2022 (Ngữ cảnh: Thông báo của nhà trường trong tháng 11) |
Ngày gửi đến Phụ huynh: 11/2/2022 |
2 |
I will be collecting orders until (LAST DAY) Monday 11/7. (Ngữ cảnh: Thư của nhà trường gửi đến phụ huynh học sinh trong tháng 11) |
Tôi sẽ nhận đơn đặt cho đến (NGÀY CUỐI) thứ Hai 11/7. |
3 |
Team meeting has been scheduled for Thursday November 10, 2022. |
Buổi họp nhóm đã được lên lịch vào thứ Năm, ngày 10 tháng 11, năm 2022. |
4 |
The students are going to the ABC Center Tomorrow Thursday, July 14, 2022. |
Các học sinh sẽ tới Trung tâm ABC vào ngày mai, thứ Năm, ngày 14, tháng Bảy, năm 2022. |
5 |
If passed, the proposed measure would raise approximately $2 million for five years, beginning July 1, 2023. |
Nếu được thông qua, giải pháp đề xuất sẽ đem lại khoảng 2 triệu đô la trong vòng năm năm, bắt đầu từ ngày 1 Tháng 7 năm 2023. |
6 |
School order forms were sent home with your student Tuesday. |
Các mẫu đơn đăng ký học đường đã được gửi cho các bạn học sinh mang về nhà vào Thứ Ba. |
7 |
Today, Thursday, November 17th is an Early Release Day for ABC schools. |
Hôm nay, Thứ năm, 17 Tháng 11 là Ngày Ra Về Sớm của các trường học tại ABC. |
Các bạn thấy thế nào về cách viết thứ, ngày, tháng, năm trong những câu dịch ở trên?
Ở ví dụ 1 và 2, ngữ cảnh đều là thư/thông báo của nhà trường trong tháng 11/2022 và văn bản gốc đã dùng định dạng “tháng/ngày/năm”. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Việt, người dịch đã giữ nguyên trình tự đó (“11/2/2022”; “thứ Hai 11/7”). Cách viết này có khả năng sẽ gây bối rối hoặc nhầm lẫn cho người đọc là “ngày 11 tháng 2” và “ngày 11 tháng 7”. Để tránh khả năng này, chúng ta hãy viết ngày tháng theo đúng trình tự thông thường trong tiếng Việt là “ngày/tháng/năm” nhé, trừ khi khách hàng có yêu cầu cụ thể khác hoặc trong bài dịch đã có phần giải thích về trình tự đó.
Ở ví dụ 3 và 4, mình đã khá là ngạc nhiên khi thấy người dịch dùng dấu phẩy ngăn cách giữa các thành phần ngày, tháng, năm (“ngày 10 tháng 11, năm 2022”; “ngày 14, tháng Bảy, năm 2022”). Khi viết các văn bản tiếng Việt, các bạn có thường dùng cách viết như vậy không nhỉ? Mình chắc câu trả lời là Không, vì người Việt chúng ta thường chỉ viết “ngày 10 tháng 11 năm 2002” mà không dùng dấu phẩy nào cả.
Còn ở ví dụ 5, 6, 7, người dịch đã dùng cách viết hoa khá là lộn xộn (“Tháng 7”, “Tháng 11”, “vào Thứ Ba”, “Thứ năm”). Trừ khi khách hàng có yêu cầu cụ thể về cách viết hoa như vậy, chúng ta hãy viết hoa theo quy tắc thông thường trong tiếng Việt nhé, tức là “Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số”, cụ thể: “tháng 7” hoặc “tháng Bảy”, “thứ Ba”, “thứ Năm”. Với trường hợp thứ, ngày, tháng đứng ở đầu câu thì chúng ta cần viết hoa cả chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên theo quy định viết hoa vì phép đặt câu. Các bạn có thể tham khảo quy định đầy đủ tại đây.
Sau đây là bảng tổng hợp các trường hợp nêu trên để các bạn tiện theo dõi:
|
Bản gốc |
Bản dịch chưa phù hợp |
Bản dịch phù hợp |
1 |
… 11/2/2022 (Ngữ cảnh: Thông báo của nhà trường trong tháng 11) |
… 11/2/2022 |
… 02/11/2022 |
2 |
… Monday 11/7 (Ngữ cảnh: Thư của nhà trường gửi đến phụ huynh học sinh trong tháng 11) |
… thứ Hai 11/7 |
… thứ Hai ngày 07/11 |
3 |
… Thursday November 10, 2022 |
… vào thứ Năm, ngày 10 tháng 11, năm 2022 |
… vào thứ Năm, ngày 10 tháng 11 năm 2022 |
4 |
… Thursday, July 14, 2022 |
… thứ Năm, ngày 14, tháng Bảy, năm 2022 |
… thứ Năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 |
5 |
… July 1, 2023 |
… ngày 1 Tháng 7 năm 2023 |
… ngày 1 tháng 7 năm 2023 |
6 |
… Tuesday |
… vào Thứ Ba |
… vào thứ Ba |
7 |
… Thursday, November 17th |
… Thứ năm, 17 Tháng 11 |
… thứ Năm, ngày 17 tháng 11 |
Nếu thấy bất kỳ điều gì chưa rõ hoặc muốn đóng góp thêm thì các bạn cứ chia sẻ nhé. Cảm ơn các bạn!
2 comments
Cảm ơn chị Hường lại dành thời gian để tiếp tục viết về chủ đề này nhé. Sẵn đây, mình thấy Gengo vừa bổ sung style guide cho tiếng Việt (chắc cũng là do chị Hường soạn). Chúng ta nên tham khảo stye guide này để bản dịch tiếng Việt trở nên nhất quán hơn.
Style guide for Vietnamese language
Cảm ơn Phúc nhiều nhé! Thực ra, bộ Style Guide (ST) đó không phải hoàn toàn do mình soạn, mình chỉ là người chỉnh sửa và bổ sung thêm thôi. Nội dung ST hiện tại cũng chỉ gồm những điều cơ bản mà có lẽ các bạn cũng đã biết hết, nhưng các bạn vẫn nên dành thời gian đọc qua để chắc chắn là bản dịch của các bạn luôn phù hợp với ST. Nếu các bạn có thắc mắc, nhận xét hoặc muốn đóng góp thêm cho ST thì đừng ngại lên tiếng nhé. Cảm ơn các bạn!