2

Chào các bạn,

Hôm nay mình sẽ tiếp tục viết về các lỗi phổ biến thường mắc phải khi dịch, cụ thể là lỗi “too literal translation” mà mình hay gọi là dịch máy móc, thiếu tự nhiên hoặc không thuần Việt. Đây là lỗi rất dễ mắc phải, dù là biên dịch viên cấp độ Standard hay Pro. Vì sao ư? Có thể vì ta không đọc trước cả câu/cả đoạn mà lại dịch ngay cho nhanh, hoặc khi dịch xong lại không đọc lại cẩn thận, chưa kể trường hợp dựa vào... Google Translate. Lỗi này bị trừ điểm không ít, vậy nên chúng ta cùng lưu ý để tránh mắc phải nhé.

Theo phân loại của Gengo, có hai kiểu dịch máy móc: dịch máy móc về nghĩa (tính là lỗi dịch thiếu chính xác) và máy móc về cấu trúc câu (lỗi cú pháp). Dưới đây là vài ví dụ để các bạn dễ hình dung:

Ví dụ 1:

Trong một job nói về sản phẩm sáp vuốt tóc, có đoạn:

[[[Black Fiber: - Strong hold; - Smooth finish

I really like it – awesome hold, a lot of fibers, so I have a lot of extra volume.]]]

Và người dịch đã dịch thành:

[[[Black Fiber: - Giữ chặt; - Hiệu quả mượt mà

Mình thực sự thích nó – giữ tóc tuyệt vời, rất nhiều sợi, vì vậy mình dùng thêm nhiều lượng.]]]

Các bạn sẽ thấy ngay là người dịch đã rất máy móc khi bê nguyên “Strong hold” là “Giữ chặt”, “extra volume” là "thêm nhiều lượng” mà không xét đến ngữ cảnh của cả bài, khiến người đọc thấy khó hiểu. Khi nói về làm tóc, “hold” phải hiểu là giữ nếp tóc, còn "extra volume” cần hiểu là tóc dầy hơn, bồng hơn.

Ví dụ 2:

Câu gốc

Câu dịch

You were called from the number 228

Bạn được số 228 gọi đến

How many big wins will be won on 21 March 2017?

Bao nhiêu chiến thắng lớn sẽ được giành vào ngày 21 tháng 3 năm 2017?

Như các bạn cũng biết, tiếng Việt không chuộng và không hay dùng cấu trúc bị động. Do vậy, mặc dù không sai nhưng các câu dịch như trên thật thiếu tự nhiên và không được thuần Việt. Chúng ta có thể đổi lại thành “Bạn nhận được cuộc gọi từ số 228” và “Sẽ có bao nhiêu chiến thắng lớn giành được vào ngày...”

Ngoài ra, với những câu có cấu trúc tường thuật như [[[“Clause/Sentence”, said/added by sb]]], chúng ta nên đảo lại vị trí các thành phần trong câu để câu dịch xuôi hơn [[[Theo sb // Sb cho biết // Sb cũng nói thêm rằng....]]].

Nếu có thời gian, các bạn nên đọc bài viết “The three-step translation process” của Olga trên trang Blog của Gengo (https://blog.gengo.com/three-step-translation-process/). Ba bước trong quy trình dịch mà Olga nói đến là: Initial translation - Initial proofreading - Rest then proofread again.

Hoặc, bài viết “7 habits of highly effective translators” (https://blog.gengo.com/7-habits-effective-translators/) của Jenie Gabriel cũng nhắc đến thói quen “proofread and review repeatedly”. 

Theo mình thấy, các job của Gengo đều được phân bổ thời gian hợp lý, đủ để người dịch có thể đọc soát lại bài trước khi gửi đi. Vậy nên, ngoài việc đọc cả câu/đoạn trước khi dịch, chúng ta hãy chịu khó dành thời gian thực hiện các bước này để tránh các lỗi không đáng có nhé. Cảm ơn các bạn! :)

52 comments

  • 0
    Avatar
    Trang

    @ hieu.tran.greenhills: Vậy bạn cũng hợp mảng human resources nữa đấy. Dịch nội dung này mình thấy văn phong "hùng hồn", "hừng hực khí thế" lắm. Đợt nọ mình có dịch tài liệu đào tạo nhân sự nội bộ của một công ty mà dịch xong chỉ muốn nộp đơn xin việc ngay công ty đó thôi :D.

    @ Thinh Le Ngoc Bao: Bạn có dịch phụ đề cho Netfilx hả? Phụ đề của Netflix hay lắm, mình thích bộ Suits trên đó, tiếc là phim Netflix hơi lỗi thời và kho phim không phong phú nên mình không đăng ký xem nữa. Mình thấy dịch phụ đề chủ yếu là dịch ý và đáp ứng được reading speed, tức là không quá số ký tự tối đa/dòng, tiếng Việt là 42 ký tự/dòng thì phải.

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Mình dịch mỗi khi có thông báo từ hai đối tác của mình. Công nhận phim trên Netflix toàn phim cũ, mình nhận toàn phim từ 90 mấy đầu 2000, có phim còn 86 như Ghostbusters. Được cái nó có nhiều chương trình truyền hình hay hay mấy phim series dài tập mà đã nổi từ lâu nên cũng có người chờ xem, như Doctor Who, Top Gear, The deadly women. Tốc độ thì Netflix nó khuyến khích 200 từ/phút nhưng hầu như bất khả thi, thậm chí nhiều trường hợp khung của Zoo nới hơn là 250 từ/ phút cũng ko được do đặc tính nói nhanh hơn đọc, mà phim nhiều đoạn nó chửi nhau, nghe còn không kịp haha. Thêm nữa là tiếng Việt đặc tính đơn âm, nên số từ thường nhiều hơn khi dịch ra.

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Đã làm bài test. Lần này làm theo phong cách an toàn :).

     

    Nếu lỡ ai đó chấm rớt mình sẽ livestream nhảy cầu :(

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Về Transcreation thì bạn Bảo nói đúng đấy, dịch hay trước tiên phải đúng ý đã, bay bổng sáng tạo gì cũng đừng quá xa rời thực tế :) Mình đã từng review một bài transcreation bị khách hàng từ chối vì không đúng ý họ muốn nói dù lời lẽ rất kêu và vần điệu rất hay. Vậy nên khi chúng ta làm translation thì chỉ nên tìm cách diễn đạt sao cho ngắn gọn, tự nhiên, trôi chảy mà vẫn đúng ý của bản gốc thôi nhé.

    Transcreation không chỉ là dịch sách văn học đâu, và giá trong nước thì vô cùng thấp, không thể so với giá mà các công ty nước ngoài thường trả. Mình lấy hai ví dụ: khách hàng nước ngoài sẵn sàng trả 40 bảng Anh để các bạn "transcreate" một đoạn giới thiệu sản phẩm tầm 140 từ, hoặc 50 bảng Anh cho một tiêu đề quảng cáo. Nếu có cơ hội thì các bạn nên thử làm bài test của các công ty nước ngoài. À mà thôi, đừng làm, tập trung cho các bài dịch trên Gengo giúp mình thôi nhé ;)

    Bạn Hiếu ơi, đừng uy hiếp mình, kết quả bài test do uy hiếp người chấm sẽ không được công nhận đâu! :) Anyway, chúc bạn may mắn!

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Mình từng dich vài ba banner quảng cáo trên PPH, có lần bọn nó cho hẳn 12 bảng/banner và chữ =)), mình bảo thôi ngăn quá không tính phí được nhưng nó bảo "đừng có ngốc, đây là tiền sếp tao, tao không quan tâm"  :)), và bọn này là website cá độ.

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Về transcreation  có một "ca" dịch kinh điển, đó là tựa đề của cuốn "How to win friends and influence people", cuốn sách nổi tiếng của Dale Carnegie. Nguyễn Hiến Lê đã dịch là "Đắc nhân tâm", tựa sách này có thể nói là đã quá hoàn hảo, sau này nhiều người dịch lại cuốn này nhưng cũng đều giữ lại tựa sách. Nói về câu chữ thì "Đắc nhân tâm" đã đi lệch hoàn toàn bản gốc!

    Trong tiếng Việt thì cụm "Làm thế nào để được lòng bạn bè và gây ảnh hưởng tới người khác" /hoặc tương tự như vậy là cách diễn đạt không quen thuộc và nghe ... vấp vấp. Dịch giả đã giữ lại phần ý  quan trọng nhất trong văn bản gốc là " lấy được lòng người ta" (toàn bộ nội dung cuốn sách cũng xoay quanh ý chính này) và chuyển sang tiếng Việt một cách duyên dáng là "Đắc nhân tâm"

    Theo ý các bạn thì Nguyễn Hiến Lê dịch đúng hay không??

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Có một phân định khá rạch ròi trong tiêu đề và nội dung. Tiêu đề, hoặc tên của sách, trò chơi điện tử, ứng dụng điện thoại hay phim bộ thường được chọn, nghĩ ra mới thay vì dịch. Thông thường người ta hầu như không bao giờ dịch tên phim vì tên mang lại thường không có hiệu quả cao, người ta chỉ dịch nội dung. Tiêu đề này có thể là gợi ý từ dịch giả hoặc do nhà xuất bản tự chọn rồi giao cho dịch giả. Ví như phim Hán Sở Tranh Hùng thì Netflix chọn tựa đề là Kings' War thay vì Han-Chu Contention. Phim truyền hình Binh Pháp Tôn Tử có rất nhiều tên tiếng Anh, nào là Bing Sheng, The Ultimate master of war, Military Sage, Sun Tzu.

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Cảm ơn bạn Hường, phải nói lần test vừa rồi mình không dám dịch phóng ý như lần trước nên nhiều chỗ nghe rất khô. May mà cuối cùng cũng đậu vớt :) . 

  • 0
    Avatar
    Trang

    Chúc mừng bạn hieu.tran.greenhills nhé. Mấy hôm nay lướt báo lá cải không thấy tin nam thanh niên phẫn uất nhảy cầu vì trượt tiếp Gengo là biết bạn đậu rồi.

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Hehe, nói thế thôi chứ trượt lần 2 thì làm lần 3, ngán gì :).

    Mà xong mấy ngày rồi sao chả thấy gì nhỉ @_@.

     

    Không biết Gengo list job kiểu gì? All public hay là dựa theo profile để list job? Hay profile không có lịch sử nên không hiện job?

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Thôi đang rảnh test pro luôn :))

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Một lần nữa chúc mừng bạn Hieu Tran nhé (comment của bạn Trang vui ghê :D). Bạn lưu ý là bài test Pro đòi hỏi cao hơn bài test Standard, chỉ chấp nhận 1 lỗi nhỏ thôi đấy. Còn việc list job của Gengo thì không có kiểu gì đặc biệt đâu bạn, Gengo công khai toàn bộ job cho tất cả các translator theo cấp độ tương ứng. Nghĩa là các bạn Standard sẽ chỉ nhìn thấy các job Standard, còn các bạn Pro sẽ nhìn thấy cả job Pro lẫn Standard. Vậy nên bạn hãy nỗ lực vượt qua bài test Pro để được nhận nhiều job và rate cao hơn nhé. 

    Mình đã có bài viết về các cách thường dùng để nhận thông báo về job, nếu bạn nào chưa biết thì nên xem lại và nên sử dụng tất cả các cách được nhắc đến để tăng cơ hội nhận job:

    https://support.gengo.com/hc/en-us/community/posts/239311708-Ways-commonly-used-to-receive-English-Vietnamese-jobs-

     

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Nếu 2 chỗ dịch tốt bù lại được một lỗi nhỏ không nghiêm trọng thì có hi vọng, còn không thì ^_^ . Chu choa, chỉ chấp nhận 1 lỗi...

     

    Về job listing thì mình hiểu thế này (không biết đúng không), Gengo sẽ list khi có job, ai nhận trước thì dịch, đến sau thì mất luôn, không còn trong lịch sử nữa. Nó khác với kiểu bid cua Upwork,Freelancer hay Fiverr.

    Làm vậy cũng có cái hay là không có "race to the bottom". Nhưng cũng dễ khiến các bạn mới nghĩ rằng ở đâu ít job, và khó truy cập nữa vì không thấy lịch sử.

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Tất cả các web-based agencies mà mình biết, thậm chí agencies truyền thống (đối với dự án phổ thông, chuyên  ngành không tính) cũng theo kiểu ai đến trước, nhận trước thôi. Upwork, Freelancer.com, Guru, PPH thì nó là dạng trung gian môi trường chứ ko phải agency nên nó tùy thuộc vào người đăng việc chứ ko quản lý việc phân phối việc. 

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Đúng vậy, ai đến trước thì nhận job trước thôi :) và cũng không có lịch sử chung cho toàn bộ job của mỗi cặp ngôn ngữ mà chỉ có phần lịch sử job của riêng mỗi bạn. Nếu Hiếu đã cài các RSS readers và có nhiều thời gian hoạt động trên máy tính thì sẽ dễ dàng và nhanh chóng nhận được thông báo về job, còn nếu chỉ dựa vào thông báo qua email thì khả năng nhận được job khá thấp. Nhưng các bạn mới đừng nản, nếu có thời gian rảnh thì các bạn nên tham khảo tài nguyên hiện có của Gengo, đọc các bài viết trong diễn đàn để biết cách tránh các lỗi thường gặp khi dịch, đồng thời rèn luyện kỹ năng đánh máy không bị lỗi chính tả hay dấu cách nha ;)

  • 0
    Avatar
    Hieu Tran

    Về việc nhận job: có vẻ như translator trên Gengo đều là thiên tài click chuột. Mình vừa thấy RSS feed, click phát >>The job í no longer available :) . Chua.

    Đã thử 2 bài test pro. Cảm thấy còn chua hơn !!!

     

     

     

  • 0
    Avatar
    tranth.vo

    Xin chào các bạn! Cảm ơn chị Hương vì đã sửa bài và đóng góp cho cộng đồng nhiều ạ!

    Mình là Trân và đã dịch cho Gengo 5 năm rồi. Mình thấy là chỉ có thể tham gia khi Gengo có dự án dịch lớn, có nhiều collections available thì mới nhấn vào và có job được :) 

    Dự án dịch lớn thì mỗi năm mình thấy có 1-2 cái thôi, có lẽ do mình ở cấp độ standard. Dự án dịch các post của Facebook gần đây là nhiều nhất, cho tới giờ là chưa có job trở lại, và nếu có thì rất ít. Nên chị Hương nói đúng là chúng ta hãy kiên nhẫn nha các bạn. 

    Theo kinh nghiệm ít ỏi của mình thì mình thấy hiện giờ cạnh tranh giữa các công ty localization rất lớn, và họ hay dùng dịch theo phần mềm, Gengo dịch theo human-based nên có lẽ có ít project từ những big clients. 

    Mình nghĩ không nên subscribe vội cái feeder vì hãy xác định là bạn chỉ làm project lớn, và bỏ qua các collections chỉ vài đô và có rất đông các translator khác :)) Đó là ý kiến của mình, tùy các bạn nha, vì đỡ tốn 8$.

    Tóm lại mình nghĩ làm cho Gengo không thể nào thu nhập đều đều được :)

     

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Gengo hay bất kỳ công ty, trang web hay đối tác trung gian nào cũng vậy. Đặc tính của freelancer mà mảng biên dịch là phỉ có một số lượng đối tác đủ nhiều để luân phiên nhau vì lượng cung công việc rất không đều và khó đoán. Chỉ có làm biên dịch toàn thời gian cho một công ty mới vậy.

    Phần mềm dịch ở đây mình đoán ý bạn là CAT tool chứ không phải Dịch máy (Mình thề là chưa thấy công ni nào dám dịch máy cho khách hàng=)).

    CAT tool thì nó không liên quan lắm vì bạn có thể copy nội dung trên trang Gengo về, dán vào word và xài CAT tool. CAT tool không liên quan lắm đến lượng cung công việc đâu.

  • 1
    Avatar
    Vĩnh Phúc

    Mình tính đăng bài ở bên chủ đề cách nhận job mà bạn Hường đã tạo nhưng thấy bên này đông vui hơn nên đăng bên này luôn.

    Thật ra việc bạn Hieu Tran nói là biên dịch viên trên Gengo là thiên tài click chuột thì không đúng đâu, hên xui nhiều hơn đó bạn.

    Để mình giải thích thêm nha.

    Mình có email hỏi Lara Fernández, quản lý của Gengo, thì được biết hiện tại Gengo vẫn đang áp dụng caching cho trang Dashboard và Jobs, tức là khi bạn truy cập vào 2 trang này thì không phải lúc nào bạn cũng thấy trang được cập nhật đâu.

    Cụ thể, thời gian caching hiện tại là 60 giây, tức là nếu bạn truy cập vào trang Gengo để xem có việc hay không thì nếu bạn làm mới (refresh/reload) lại trang Gengo trong vòng 60 giây thì Gengo sẽ không thật sự tải lại mà sẽ lấy từ bộ nhớ đệm để hiển thị, và sau 60 giây thì bộ nhớ đệm này mới hết hạn.

    Tương tự thì RSS feed cũng vậy.

    Bây giờ ví dụ hai người cùng cài đặt RSS feed reader là 60 giây lấy thông tin job một lần, lần cuối bạn A lấy thông tin vào lúc 12:00:00, bạn B lấy thông tin vào lúc 12:00:30. Giả sử Gengo có job vào lúc 12:00:45, theo bạn ai có lợi thế hơn? Rõ ràng là nếu job chưa được nhận thì bạn A sẽ thấy thông báo RSS vào lúc 12:01:00, còn bạn B là vào lúc 12:01:30, chậm hơn bạn A tới 30 giây. Trong thời gian 30 giây này có thể bạn A đã nhận xong job và bạn B thậm chí không thấy thông báo RSS luôn. Do đó nhiều khi cả ngày cũng không thấy thông báo có job là vậy.

    Vậy giờ nếu bạn B đặt thời gian lấy thông tin trong RSS feed reader là 30 giây thì có cùng cơ hội như bạn A không? Câu trả lời vẫn là không, vì lúc 12:01:00 RSS feed vẫn chưa thật sự cập nhật nên cũng sẽ không thông báo có job.

    Nói tóm lại, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.

    Edited by Vĩnh Phúc
  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Cảm ơn bạn Phúc đã giải thích rất chi tiết nhé. Dù có nhiều cách nhận thông báo job nhưng đúng là yếu tố hên xui vẫn đóng vai trò quan trọng :) Tuy nhiên, như mình đã có lần nói, có một cách khác để nhận được job nhiều và nhanh hơn - đó là trở thành Preferred Translator và/hoặc Pro Translator. Và làm thế nào để trở thành Pro/Preferred Translator thì các bạn hẳn đã biết rõ :) 

    Chúc tất cả các bạn năm mới 2018 nhận được nhiều job và dịch ngày càng "chắc tay" nhé! 

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Chúc chị Huong năm mới gặt hái được nhiều thành tựu và chỉ giáo thêm cho chúng hậu sinh như em.
    Tiện thể, trước em có một chuyện muốn đưa lên để mọi người thảo luận mà bận quá quên mất.

    Trong tiếng Việt, tên của nước hoặc một số vùng có hai dạng chính: phiên âm thuần Việt theo cách đọc có nối bằng dấu "-" và phiên âm Hán-Việt. Có những quốc gia quá quen thuộc với phiên âm Hán Việt như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha thì ta không cần phải bàn rồi, nhưng có những quốc gia như Singapore, New Zealand, Senegal, Bahrain, Lebanon thì hơi phức tạp. Những quốc gia như Singapore hay New Zealand còn dễ xử trí vì có thể để nguyên mà gần như tất cả mọi người đều biết nó hay đọc được nó, nhưng Bahrain hay Lebanon thì khác, em không biết nên để nguyên nó hay phiên âm nó ra thành Ba-ranh, Li-băng, Cô-oét (Kuwait), vì giữ nguyên thì ko biết người ta có đọc được hay nhận diện được nó không, mà phiên âm ra thì hơi chướng tai vì cũng phải phiên âm mấy nước như Singapore thành Xing-ga-po nhìn khá buồn cười. Còn nếu như chỗ thì để Singapore, chỗ thì lại Cô-oét thù lại nhìn khá chướng mắt ạ, . Xin mọi người chỉ giáo.

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Cảm ơn lời chúc và câu hỏi của Bảo nhé. Vấn đề bạn nêu ra khá là thú vị :)Theo mình biết thì không có quy định nào buộc phải viết nguyên tên tiếng Anh hay dùng phiên âm tiếng Việt cho tên các quốc gia, nên viết như thế nào là tùy ngữ cảnh hoặc cái tâm của người dịch thôi. Nếu ngữ cảnh là một bài viết hoặc văn bản có nhắc đến Lebanon hay Kuwait chẳng hạn, thì người dịch có tâm muốn người đọc dễ nhận biết sẽ dùng tên phiên âm tiếng Việt quen thuộc với người Việt (Li-băng, Cô-oét) hoặc dùng đồng thời tên tiếng Anh kèm theo chú thích phiên âm tiếng Việt bên cạnh. Còn nếu ngữ cảnh là một danh sách các quốc gia, thì sẽ khó có thể viết đồng thời như vậy do hạn chế về độ dài, và lúc này sẽ phải chọn một kiểu viết cho phù hợp - đây là trường hợp mà Bảo nhắc đến đúng không? Theo mình thì trong những trường hợp như vậy có thể để nguyên Lebanon/Kuwait hay dùng phiên âm tiếng Việt đều được, một danh sách với cả 3 cách viết (ví dụ: Tây Ban Nha, Singapore, Li-băng) cũng không đến nỗi chướng mắt lắm :)

    Đó là ý kiến cá nhân của mình thôi nhé, chắc vì mình dễ tính ^_^ Các bạn khác cứ thoải mái bàn luận nhé!

    Edited by Huong (EN>VI Language Specialist)
Please sign in to leave a comment.