3

Chào các bạn,

Đây là topic mà mình đã muốn lập từ lâu để chúng ta có thể đặt câu hỏi, trao đổi và thống nhất về cách dịch những từ/cụm từ khó hiểu hoặc dễ nhầm lẫn mà chúng ta gặp trong các job dịch ở Gengo. Qua đó, các bạn sẽ có thể dễ dàng xử lý nếu gặp phải các từ/cụm từ tương tự sau này, và nhờ vậy mà Gengo nói chung sẽ có thể giao các sản phẩm dịch chất lượng và nhất quán cho khách hàng. Điều này đặc biệt hữu ích khi Gengo có những "repeat/recurring customer", ví dụ như Facebook với một loạt job ở cả cấp độ Pro và Standard, hay Apalon với những job dịch về ứng dụng đồng hồ báo thức, sách tô màu, v.v. 

Để bắt đầu, mình sẽ đưa ra một ví dụ về cụm từ xuất hiện nhiều lần trong các job dịch Pro của Facebook gần đây, và khi chấm GoCheck thì mình chưa thấy bạn nào có cách dịch phù hợp. Ngữ cảnh là Facebook gửi email phản hồi cho khách hàng A để hỗ trợ A xử lý một vấn đề về thanh toán. Dưới đây là một đoạn trong email:

"I'm sorry you're having trouble adding a debit card to your account. It looks like this credit card authorization was declined by your credit card company or bank when we attempted to authorize the card [[[CREDIT_CARD_1]]]."

Cụm từ mà mình muốn nói đến là "credit card authorization" và "authorize the card". Các bạn thường dịch ngay "credit card authorization" là "việc ủy quyền thẻ tín dụng" và "authorize the card" là "ủy quyền thẻ" hoặc "xin quyền truy cập thẻ" mà không cân nhắc xem dịch như vậy có phù hợp trong ngữ cảnh đoạn này không. Ý của đoạn này là khách hàng A không thêm được thẻ vào tài khoản (liên quan đến Facebook) và lý do có lẽ là vì khi Facebook "authorize" thẻ thì công ty/ngân hàng phát hành thẻ lại từ chối. Vậy nếu dịch "authorize" là "ủy quyền/xin quyền truy cập" thì các bạn thấy có hợp lý không? Kết quả tìm kiếm trên Google về "credit card authorization" cho thấy định nghĩa sau:

"Credit card authorization = A request to see whether a credit card is approved for use to complete a given purchase Transaction"

(https://www.2checkout.com/ecommerce-glossary/what-is-a-credit-card-authorization)

Vậy, "authorization/authorize" ở đây nên hiểu với nghĩa là "xác thực", tức là xác thực thẻ để thực hiện giao dịch. Các bạn thấy đã hợp lý chưa? Nếu lần tới có bạn nào gặp lại cụm từ này trong các job của Facebook (hoặc ngữ cảnh tương tự) thì đừng vội dịch ngay thành "ủy quyền" nhé!

Hy vọng các bạn cùng hưởng ứng topic này và chia sẻ thêm để nơi đây trở thành nguồn thông tin hữu ích cho tất cả chúng ta!

Cảm ơn các bạn!

Hường

 

81 comments

  • 0
    Avatar
    Phuc Mai

    Cám ơn chị Hường đã tạo ra topic này. Em sẽ lưu ý cụm từ chị nêu ở trên. 

    Nhân tiện em cũng có một thắc mắc, đó là về các cụm từ mà tiếng Việt mình vay mượn, ví dụ như những bản hit, forum, blog,..., chưa kể đến từ mượn từ các ngôn ngữ khác như Pháp, Nga... Em có thấy một comment nêu vấn đề về việc có nên dịch phiên âm tên quốc gia, liệu có thể áp dụng được trong trường hợp này không?

  • 1
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Cảm ơn Phúc đã hưởng ứng topic này và cũng xin lỗi bạn vì bây giờ mình mới trả lời được. Về thắc mắc của bạn, thì mình thấy thế này:

    Với những từ mượn có cách dịch ngắn gọn và phổ biến (như "forum" là "diễn đàn") thì vẫn nên dịch bình thường.

    Với những từ mượn được dùng rất phổ biến và nếu dịch ra thì dài dòng, hoặc khi phải đáp ứng yêu cầu về số ký tự (như "blog, video" hoặc "game, chat, fan") thì nên giữ nguyên từ gốc.

    Còn trường hợp những từ như "hit", mình nghĩ chủ yếu mới phổ biến ở một bộ phận người trẻ, nên có thể để nguyên từ đó nhưng nên có giải thích ngắn gọn bên cạnh nếu ngữ cảnh cho phép.

    Nếu muốn tìm hiểu thêm về từ mượn (không phải là cách dịch từ mượn nhé :) ) thì bạn có thể đọc thêm ở đây: http://loigiaihay.com/soan-bai-tu-muon-c33a13325.html

    Đó là ý kiến riêng của mình thôi, các bạn khác cứ thoải mái nêu quan điểm riêng nhé. Đã có lần một bạn gợi ý mình lập một danh sách những từ tiếng Anh không cần dịch sang tiếng Việt mà tiếc là mình chưa làm được. Biết đâu qua các ý kiến tham gia của các bạn, chúng ta lại có thể thống nhất được một danh sách như vậy :) 

    Edited by Huong (EN>VI Language Specialist)
  • 1
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Chào các bạn,

    Vì một vài lý do, khách hàng đã reject một số bài dịch trong loạt job Pro dịch các email của Facebook. Do vậy, mình sẽ tổng hợp thêm “confusing terms & phrases” trong loạt job này để các bạn cùng cân nhắc nhé.

    1. “Appropriate team”:

    Ngữ cảnh: “Please fill out the form most associated with your situation in the link below so we can make sure your request gets routed to the appropriate team.” // “The appropriate team is currently investigating this issue further.”

    Cách dịch đã dùng: “Nhóm thích hợp” // “Một nhóm có chức năng liên quan”

    => Từ “team” ở đây nếu dịch máy móc là “nhóm” sẽ khiến người đọc không hiểu là nhóm gì. Ta nên dùng từ “bộ phận”, và “appropriate team” có thể dịch cụ thể là “bộ phận phụ trách liên quan/phù hợp”.

     2. “Unauthorized charge from Facebook”:

    Ngữ cảnh: “Please fill out the form most associated with your situation in the link below... If you have questions about an unauthorized charge from Facebook.”

    Cách dịch đã dùng: "khoản phí trái phép từ Facebook"

    => Cách dịch máy móc này sẽ đem lại ấn tượng không tốt và có thể khiến người đọc thấy khó hiểu hoặc nhầm lẫn về bản chất của khoản phí này. Các bạn có thể tìm hiểu về “unauthorized charge” ở đây: https://support.google.com/payments/answer/6224188?hl=en hoặc

    https://www.thebalance.com/what-to-do-about-unauthorized-credit-card-charges-960260

    Gợi ý dịch: “khoản phí từ Facebook không do bạn chấp nhận thanh toán”

     3. “You’ll be billed”:

    Ngữ cảnh: “You’ll be billed once your total combined unpaid advertising charges reach your threshold amount.”

    Cách dịch đã dùng:  “Bạn sẽ được lập hoá đơn

    => Cách dịch máy móc này khiến câu rất thiếu tự nhiên, nên chỉnh lại thành "Bạn sẽ nhận được hóa đơn yêu cầu/đề nghị thanh toán" hoặc "Hóa đơn thanh toán sẽ được lập".

     4. “credit card limit”:

    Ngữ cảnh: “Here are a few common reasons your payment might have failed: You reached your credit card limit

    Cách dịch đã dùng: “giới hạn thẻ tín dụng”

    => Gợi ý: thuật ngữ này thường được hiểu là "hạn mức thẻ tín dụng".

    5. "unsettled balance":

    Ngữ cảnh: "You'll be able to continue advertising on Facebook when you’ve paid the unsettled balance on your account."

    Cách dịch đã dùng: "số dư chưa thanh toán"

    => Với ngữ cảnh là người quảng cáo cần thanh toán phí quảng cáo cho Facebook, cách dịch này khá là máy móc và có thể khiến người đọc thấy khó hiểu. "unsettled balance" thường được hiểu là "dư nợ".

    6. “I hope this answer finds you well”:

    Ngữ cảnh: “Hi Thuy, I hope this answer finds you well.”

    Cách dịch đã dùng: “Tôi hy vọng bạn vẫn khỏe khi nhận được câu trả lời này.” // “Trước tôi khi trả lời, tôi hy vọng bạn vẫn khỏe.”

    => “I hope this answer finds you well” chỉ là một cách nói gián tiếp của câu "I hope you're well", ta chỉ nên dịch ý chứ không nên dịch theo từng từ trong câu gốc.

     7. “On what date did you intend to start and on what date did you intend to end this campaign?”:

    Ngữ cảnh: “I can investigate this issue for you as soon as I have this information: On what date did you intend to start and on what date did you intend to end this campaign?”

    Cách dịch đã dùng: “Vào ngày nào bạn đã dự định bắt đầu và vào ngày nào bạn đã dự định kết thúc chiến dịch này?”

    => Dịch máy móc theo cấu trúc câu gốc sẽ dễ gây nhầm lẫn là nói đến ngày diễn ra việc “bạn dự định”. Ta nên đảo lại thành cấu trúc câu quen thuộc và dễ hiểu với người Việt là "Bạn dự định bắt đầu và kết thúc chiến dịch này vào ngày nào?"

    Trên đây chỉ là vài ví dụ nổi bật để các bạn tham khảo và có cách xử lý phù hợp nếu bắt gặp trong các job tương tự sau này. Một lần nữa mình mong rằng các bạn Pro translator luôn cẩn thận để tránh những lỗi dịch máy móc không đáng có và khẳng định được chất lượng Pro trong mọi bài dịch. Nếu chưa rõ vấn đề gì hoặc chưa chắc chắn về phương án dịch cho từ/cụm từ nào trong loạt bài này, các bạn cứ đăng bài trong diễn đàn để cùng trao đổi và tìm ra phương án phù hợp nhất nhé. Rất cảm ơn sự đóng góp tích cực của các bạn!

    Edited by Huong (EN>VI Language Specialist)
  • 0
    Avatar
    Uy Nguyen

    Chào chị Hường và cả nhà,

    Cảm ơn chị Hường đã lập topic này, và nhờ bài đăng gần nhất mình đã kịp điều chỉnh cách dịch cho cụm từ "You'll be billed". Một cụm nữa đã nhận được sửa Gocheck là cụm "unauthorized charge from Facebook.", nên mình cảm thấy topic này cực kỳ hữu ích, mong sớm có thêm các bài thảo luận tương tự.

    Mình muốn đưa ra cụm từ có liên quan đến phần hóa đơn, "Billing section", cũng nằm trong loạt bài dịch email của Facebook.

    "You can check your billing threshold in the Billing section of your ads manager"

    Nếu chỉ dịch theo sát nghĩa thì là "mục Hóa đơn/Thanh toán", mình có check lại bên trình quản lý quảng cáo của Facebook để tìm cụm từ phù hợp thì cụm đó là "Lập hóa đơn" (mình có app quản lý quảng cáo của Facebook và đúng thật mục tương đương trong tiếng Việt là Lập hóa đơn) nhưng khi check kỹ bằng cách google cụm từ "how to check billing threshold" thì bên Trung tâm hỗ trợ của Facebook lại không dịch "in the billing section of your ads manager" là đi đến Lập hóa đơn, mà lại là "Đi tới Cài đặt thanh toán"(https://www.facebook.com/business/help/776240779095515) 

    Thêm nữa, có một số cụm gắn với chữ billing, như billing questions: các câu hỏi về thanh toán, hoặc "select the ad campaign that caused you billing confusion": chiến dịch mà theo bạn là hóa đơn có sự nhầm lẫn. Đó là cách xử lý của mình, còn cụm Billing section ở trên thì mình đang theo hướng Cài đặt thanh toán.

    Mong mọi người góp ý :)

     

  • 1
    Avatar
    Trang

    Dịch tài liệu của những công ty như Facebook, Google hay Apple sẽ có glossary riêng. Mỗi sản phẩm của mỗi công ty này lại có glossary riêng (còn chưa nói đến style guide riêng nhé) nên cùng 1 từ, ví dụ như billing như bạn Uy Nguyen nói đến, ở product A của Facebook có thể là thanh toán, ở product B của Facebook lại là lập hóa đơn, ngoài ra bạn còn cần cân nhắc ngữ cảnh khi dịch nữa. Phần tiếng Việt của Facebook cũng là một nguồn hay để tham khảo đó bạn, nhưng cũng hên xui thôi vì theo thời gian, những bản dịch cũ đã lỗi thời và không còn đúng nữa, ngoài ra còn có tình trạng inconsistency như bạn nói đó. Theo mình biết thì Facebook có đội reviewer rất chặt và "móc" từng lỗi trong bài dịch, bài nhỏ nhỏ khoảng 200 từ mà mắc 2 lỗi là coi như fail rồi :).

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Cảm ơn chị Hường, lâu không vào nên không để ý topic này, lúc đầu em cũng đã định dùng cụm "việc xác minh thẻ tín dụng rồi" mà cứ sợ sai sai vì cũng có sẵn cụm "verifying card" nên suy đi nghĩ lại dùng ủy quyền :)).
    Còn mấy cái kia may mà dùng đúng (như hạn mức thẻ, bộ phận, v.v...). Câu "I hope this answer find you well đã đã sửa thành "Tôi hy vọng khi nhận được thư này bạn vẫn khỏe".
    Chứ billing mình cũng đã sửa lại là lập hóa đơn vì Facebook Help Center có 2 mục là billing và payment nên tránh nhầm lẫn với "thanh toán" của payment. Mỗi lần vậy mình phải update lại translation memory trong Trados của mình để tránh quên:)

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Tiện thể, mình không biết viết vào đây có phù hợp không nhưng không biết phải thảo luận chung ở đâu.

    1. Các bạn có ai dùng chức năng kiểm lỗi chính tả của Word (bản gốc không có, phải tải thêm file trên mạng về rồi thêm vào MS Word) + phần nói của google đẻ kiểm tra lỗi chính tả bài dịch không? Thông thường, nếu tài liệu dài và nhiều thì mình dùng cái kiểm lỗi gạch chân đỏ để sửa các lỗi typo trước, sau đó tách từng đoạn ra rồi dán vào google cho nó đọc rồi mình nghe + đối chiếu văn bản gốc. Mình thấy cái google nói này khá hay vì nó tự đọc thay vì mình đọc trong đầu, sẽ giúp tránh hiện tượng "tự điền chữ" trong đầu của mình, dễ phát hiện lỗi sai, lỗi chính tả, lỗi dấu, lỗi dùng từ, lỗi từ lặp hơn, nhất là có tác dụng khá tốt khi kiểm tra xem một câu đã nghe tự nhiên hay chưa.

    2. Cái này không liên quan lắm. Dạo đây, mình có thấy Gengo đăng nhiều về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong ngành dịch thuật, rồi cả các bài so sánh người và AI. Một trong số các agency mình làm (cũng dạng web-based agency) đã chuyển sang dùng Machine Translation và giảm tải số lượng biên dịch, chuyển biên dịch thành post-machine translation editor. Các bạn có suy nghĩ như thế nào về tương lai ngành này trong tương lai, khoảng bao lâu nữa thì con người sẽ bị thay thế bởi máy và các bạn tính làm gì sau đó? (Nhất là những người làm biên dịch hoàn toàn mà không làm thêm nghề thứ hai)

  • 0
    Avatar
    Trang

    Mẹo bạn Ngoc Bao đưa ra để kiểm tra lỗi chính tả hay nhỉ nhưng mình thường đọc lại sau khi dịch xong 1 câu (nếu không có thời gian) hoặc để hôm sau đọc lại toàn bộ (nếu có thời gian). MT chỉ áp dụng cho tài liệu có ngữ pháp đơn giản thôi bạn (thường là tài liệu kỹ thuật). Đôi khi mình dịch MT khá nhàn vì máy làm hết rồi, chỉ sửa đôi chỗ thôi, mình thích dạng này vì vẫn được trả 100%. Tuy nhiên với dạng tài liệu "lắt léo" thì máy chịu chết (chẳng hạn như dịch phụ đề phim như bạn hay dịch đó), ngồi sửa theo máy thì người dịch cũng chết theo. Bạn yên tâm, đến hết đời chúng ta vẫn phải cần con người dịch, còn đời con cháu chúng ta thì... kệ thôi :D. Mình mới làm dịch toàn thời gian khoảng hơn 2 năm thôi, trước đó làm nghề khác. Nếu không làm dịch thì mình làm cái khác, có tư duy tốt thì không lo chết đói bạn nhỉ.

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Cảm ơn bạn Trang đã phản hồi. Mình đưa  ra câu hỏi này do 1 trong các nơi mình có làm freelancer đã bắt đầu áp dụng cái này rồi. Đồng thời, mình thấy cả Google và Facebook đều đang chạy đua nâng cấp trí tuệ dịch nhân tạo. Mình có cảm tưởng dần dần cơ cấu ngành sẽ chuyển dịch theo hướng giảm tải biên dịch, sử dụng biên dịch làm post-machine translation editor và dĩ nhiên mức thu nhập sẽ bị ảnh hưởng nhiều, công việc thì nhiều khi lại khá mệt do sửa cái này phải đọc kỹ. Mình ước chừng trong vòng từ bây giờ đến 2020 sẽ có biến chuyển lớn nên cũng đang thấy hơi mung lung, nhất là mình làm freelancer hoàn toàn luôn haha. Riêng phim thì đúng là không dùng dịch máy được, nhưng khách hàng lớn nhất là Netflix hình như đang dần hoàn thiện đội biên dịch riêng của họ hay sao đó vì mình thấy lượng công việc ko đều trong khi show và phim Netflix ra mới hàng tuần rất nhiều.

    Nếu không làm trong ngành dịch thuật chắc mình sẽ kinh doanh gì đó để không phí cái bằng cử nhân Marketing 4 năm đại học hahaha.

    Khổ nổi là vì học marketing nên hiểu rõ việc kinh doanh chắc dễ dàng gì đâm ra không mê lắm.

  • 0
    Avatar
    Uy Nguyen

    Cái bạn Thịnh nói ở trên đã được áp dụng rồi thì phải, ở một trang freelance khác cũng về dịch (Unbabel), họ không gọi người tham gia vào quy trình là translator, mà là editor. Đúng y như bạn nói, quy trình sẽ là MT trước, sau đó editor (con người chúng mình) sẽ tham gia sửa các lỗi để bản dịch hoàn thiện hơn.

    P/S Nhân tiện, các bạn cho mình hỏi có bạn nào sử dụng bên Proz không ạ, nếu có thì cho mình xin ý kiến về trải nghiệm sử dụng nhé.

     

     

     

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Proz thì mình ít xài vì mỗi lần bid phải mất $1, mình hay hóng bên Translators Cafe hơn.

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Cảm ơn Uy, Trang và Bảo đã nhiệt tình giữ lửa cho topic này! ^-^

    Trang nói đúng, chúng ta cần cân nhắc đến ngữ cảnh cụ thể trong mỗi job dịch để tìm ra nghĩa từ phù hợp. Một số bạn không tìm hiểu kỹ trước khi dịch mà chỉ vận dụng phán đoán và kiến thức vốn có của bản thân nên sẽ xảy ra trường hợp dịch thiếu nhất quán. Chẳng hạn như từ "billing" xuất hiện trong nhiều job của Facebook, và các job đó lại do nhiều bạn khác nhau dịch, nên việc xuất hiện đồng thời các cách dịch "Lập hóa đơn" & "Thanh toán" cũng dễ hiểu. Chính vì vậy mà mình luôn nhắn và mong các bạn nên cân nhắc đến ngữ cảnh liên quan khi dịch. Với ví dụ (rất hữu ích) mà bạn Uy Nguyen đưa ra: "You can check your billing threshold in the Billing section of your ads manager" thì cách an toàn nhất là kiểm tra xem phiên bản tiếng Việt của "ads manager" đó dùng từ gì cho mục "Billing". May mắn là bạn Uy Nguyen đã có app quản lý quảng cáo đó để check giúp chúng ta :)

    Nhân đây mình cũng muốn nhắn lại một chút, với những trường hợp tương tự như "Go to Billing section", thì cách dịch "Đi đến/đi tới..." khá là máy móc, thiếu tự nhiên. Có lẽ nhiều bạn vẫn dịch như vậy theo thói quen, nhưng sẽ tốt hơn nếu có thể chỉnh lại thành "Vào/đến mục..." hay "Vào/đến phần...".

    Còn với băn khoăn của Bảo về "post-machine translation editor", thì mình cũng đồng ý với Trang, biên dịch chất lượng cao thì không lo thiếu việc ^^ Thực ra, loại công việc này đã xuất hiện từ lâu rồi (offer đầu tiên mình nhận được là khoảng hơn 3 năm trước) và mình vẫn sống tốt dù không tham gia các dự án đó. 

    À, mình cũng là người dùng Proz nhiều năm rồi (nhưng không phải thành viên trả phí và hoạt động cũng không tích cực :)), Uy Nguyen muốn hỏi cụ thể việc gì nào?

    Edited by Huong (EN>VI Language Specialist)
  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Chào các bạn,

    Mình muốn nhắn vài điều tới các bạn đang và sẽ dịch các job của UNiDAYS như sau:

    1. UNiDAYS được giới thiệu là: "Your go-to source of FREE student discount", "UNiDAYS gives you access to the best student discount online and in-store with all the leading brands and retailers".

    2. Do vậy, nếu các bạn gặp từ "institution" trong các job của khách hàng này thì nên cân nhắc và kiểm tra cẩn thận, vì nhiều khả năng từ này mang nghĩa là "trường" chứ không phải "tổ chức".

    3. Cụm từ "personal institution email address" không phải là địa chỉ email cá nhân của trường, mà muốn nói đến địa chỉ email mà trường cung cấp/tạo cho sinh viên, ví dụ "gengo@hust.edu.vn". Cụm từ này đã được dịch là "địa chỉ email cá nhân (của bạn) tại trường..."

    4. Khi dịch các bước hướng dẫn thực hiện (ví dụ như "click Continue"), các bạn nên tự đặt ngay một câu hỏi là giao diện trang của họ đã Việt hóa nút/mục/từ đó chưa hay vẫn để nguyên từ tiếng Anh. Nếu không có cách nào để kiểm tra, hãy chọn lấy một cách mà bạn thấy tốt nhất rồi báo lại với khách hàng. Ví dụ, khi nộp bài dịch, bạn có thể viết comment cho khách hàng là "... Tôi đã dịch tên của các mục/nút đó sang tiếng Việt. Nếu ông/bà muốn để nguyên tên tiếng Anh thì vui lòng cho tôi biết để kịp thời sửa lại. Xin cảm ơn."

    Cảm ơn các bạn đã quan tâm!

    Edited by Huong (EN>VI Language Specialist)
  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Ok chị Hường. Em có gặp phải 1 bài thuộc dạng này lâu lắm rồi, tầm hai tháng gì đó. Em thì may ko nhầm cỗ personal institution email address, nhưng đoạn văn của em khá ngắn, tầm 30 chục chữ gì đó nên ko đủ ngữ cảnh thành ra ko chắc institution là trường hay tổ chức nên bị sai chỗ này haha.

    Nhân tiện chúc chị Hường và các bạn nữ trong đội ngũ biên dịch viên 8/3 vui vẻ, dù hơi muộn hihi.

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Cảm ơn Bảo nhé :) Chúc các bạn luôn vui! 

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Chào mọi người.
    Trong một bài dịch liên quan đến trang OpenCounter, họ không cung cấp thêm thông tin hay ngữ cảnh gì cả, cũng ko phản hồi câu hỏi của mình.
    Có cụm từ "quantities of hoods", có ai biết cụm này ý là gì không? Cụm này chỉ đứng một mình vậy thôi, trong một tab job riêng, ko còn thêm gì khác. Nội dung bài này thiên về tổng quan mô tả, phân loại thông tin các dự án phát triển mà người dùng đệ trình lên thành phố để xét duyệt, chủ yếu liên quan đến đất đai, nhà cửa và các hệ thống như cấp, thoát nước, phun khí ga, v.v...

    Mình dịch nó là "Số lượng mái che".

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    À mình tìm thấy rồi, nó là máy hút mùi ở bếp.

  • 0
    Avatar
    Huong (EN>VI Language Specialist)

    Câu hỏi của Bảo rất hữu ích, cảm ơn bạn (nhưng mình không dám chắc có phải "hoods" là "máy hút mùi" vì không rõ ngữ cảnh cụ thể). Mình mong và khuyến khích các bạn khác tích cực chia sẻ ý kiến và kinh nghiệm như thế này để giúp nhau tránh các lỗi không đáng có và hoàn thiện bản dịch hơn nữa, góp phần để sản phẩm dịch cuối cùng từ Gengo tới khách hàng có tính nhất quán và chính xác cao.

    Chia sẻ thêm với các bạn một đoạn giới thiệu về dự án này mà mình mới thấy khi chấm một bài GoCheck, hy vọng phần nào giúp các bạn hiểu hơn về dự án:

    Elk Grove Permits Portal
    Welcome to our beta version of OpenCounter.
    This online tool is a customized guide to help applicants identify zoning details for a prospective business location, as well as outlining the permits and fees required to start a business in Elk Grove.  We welcome your feedback, in order to make this tool as accurate as possible.
    This online tool is a customized guide to help you identify the permits and fees required to start a business in Elk Grove.
    Elk Grove Zoning Check
    Zoning Check is a simple way for a business owner to quickly identify zoning details for a prospective location for their business.
    A simple way for a business owner to quickly identify zoning details for a prospective location for their business.
    Check my zoning

    Nhân tiện, mình muốn hỏi các bạn thường dịch như thế nào cho từ "zoning" trong dự án này, và cho cụm từ "None of the above" (một phương án trả lời). Cảm ơn các bạn!

  • 0
    Avatar
    Duy Tran

    Chào chị Hường và các bạn, 

    Từ hoods đứng riêng lẻ thì khó đoán nhưng nghĩa phổ biến nhất là "máy hút mùi" thật. Từ "zoning" với nghĩa là phân khu thì em dịch là "quy hoạch" còn "None of the above" là "Đáp án khác". Không biết mọi người có option nào khác không?

    Cheers,

    Edited by Duy Tran
  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Chào chị Hường và các bạn.
    Cám ơn chị Hường đã chia sẻ.

    Zoning thì theo em biết đó là quy hoạch.

    None of the above thì hồi đi học em gặp mãi trong các đáp án trắc nghiệm hoặc đáp án của khảo sát. Nó nghĩa là "Không có đáp án nào ở trên" hoặc "Không phải các đáp án ở trên".

    Về phần "number of hoods" thì em cũng không chắc, nhưng có thấy ở bài dịch của một bạn khác (vì bạn ấy bỏ 1 vài jobs trong collection của bạn ấy nên mình vào thì vẫn thấy các bài đã dịch), và em thấy khá hợp lý vì bài của em nhắc đến nhiều các hệ thống phun khí ga, thoát nước, đun nước các kiểu. Tuy nhiên cho em hỏi là vì deadline chỉ có 6 tiếng, em phải nộp liền nên lúc đó em chưa sửa thành "máy hút khói" mà để bản dịch cũ là "mái che" (vì lúc đấy đang nghĩ đến nhà) thì phải làm thế nào? Em đã bình luận thông báo cho khách hàng ngay trong hôm đó, cách 6 tiếng rồi nhưng họ có vẻ không quan tâm và không hề phản hồi.

    Ngoài ra, trong dự án của trang OpenCounter còn một số điểm khá mung lung nên em cần hỏi luôn để chúng ta cùng xem xét, bàn bạc:

    Key: nó đứng một mình vậy, em không hiểu ý khách hàng key này là cái gì và nằm ở đâu ạ.

    Id: Em thì nghĩ nó là Id của dự án nên em dịch là Mã định danh (Id), còn một bạn khác cho rằng nó là Id của nhà đầu tư nên dịch là thẻ căn cước (CMND), vậy phải làm sao ạ? 

    Buildings > Business I/ Merchant I/ Residential I/ Institutional I: Em biết đây là dạng menu trải ra trên web, nhưng Buildings ở đây không biết họ ám chỉ gì. Em dịch là "Dãy nhà" vì cho răng đây là các khu nhà đã xây rồi, chính quyền cho thuê theo dự án để kinh doanh hoặc hộ thuê để ở + kinh doanh (home occupation), còn một bạn khác dịch là "Công trình", em thấy cũng hợp lý vì có thể đang quy hoạch chứ chưa xây.

    Edited by Lê Ngọc Bảo Thịnh
  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    À, ngoài ra còn một cụm nữa:

    Address Range Start/End

    Em là người đã dịch Address Range Start, còn Address Range End hình như không ai muốn đụng vào vì sợ phiền phức nên nó treo trên đó từ hôm qua đến giờ, thậm chí giờ Gengo đã nhân đôi số tiền nhận được cho 3 chứ này nhưng vẫn không có ai nhận.

    Nếu em không lầm thì đây là nói về địa chỉ IP khi mình định vị bằng wifi trên bản đồ (như google map), Address Range Start là khoảng giá trị đầu của địa chỉ IP, Address Range End là khoảng giá trị cuối của dòng địa chỉ IP

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Chào mọi người, thật là lâu ngày quá chưa có ai vào hihi.

    Mình xin ý kiến chút về cụm từ "manual ad account's balance" trong các job của Facebook ạ.

    Cụm này có sẵn trên trang Help Centre của Facebook và họ dịch là "Số dư tài khoản quảng cáo thủ công" (Xem https://www.facebook.com/business/help/350519228479855). Dù mình nghe khá máy móc và..."chuối" nhưng mình sợ rằng nếu mình dịch khác đi thì người dùng sẽ gặp khó khăn khi nhận diện tính năng này trên Facebook và làm theo hướng dẫn trong thư của bên FB gửi cho họ nên mình đã giữ nguyên. Nhưng khi job được reviewed thì Chuyên viên ngôn ngữ có nhắc mình về cụm này và yêu cầu dịch bớt máy móc. Vậy mình nên làm gì ạ?

    Edited by Lê Ngọc Bảo Thịnh
  • 0
    Avatar
    Trang

    Thông thường mình sẽ trao đổi với reviewer để nêu lý do vì sao mình dịch như vậy. Nếu reviewer vẫn giữ nguyên quan điểm thì mình làm theo yêu cầu của reviewer. Trong trường hợp client không cùng quan điểm với reviewer thì mình làm theo yêu cầu của client vì client là cấp to nhất. Mình đã gặp nhiều trường hợp dịch theo cách của reviewer nhưng sau đó client lại có cách dịch khác ---> cả translator và reviewer đều phải theo client.

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Cám ơn chị/bạn Trang đã nhanh chóng cho lời khuyên. Nhưng mình không biết làm cách nào để liên lạc được reviewer cả, lâu nay mình nghỉ đây là cách làm việc ẩn danh để tránh sự thiên vị/thiên kiến trong công việc nên ko ai được biết ai. Giờ mình làm sao để trao đổi với họ nhỉ?

  • 0
    Avatar
    Uy Nguyen
  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    À à, mình cứ tưởng là cái này gửi lên cho bên Gengo phản hồi về tính năng và cách thức quá trình reviewing diễn ra  nên ko xài hihi.

  • 0
    Avatar
    Uy Nguyen

    Mình liên lạc một lần rồi, đúng là cái form đó. Nếu bạn click vào User feedback sẽ thấy một form để đánh giá về giao diện của quá trình review, ấn thêm một cái link nữa sẽ hiện ra cái form liên lạc với Reviewer. Câu hỏi của bạn sẽ được gửi lại đúng Reviewer đã chấm điểm cho bài của bạn, nhớ ghi rõ job ID nhé :)) Còn cụm từ manual ad account's balance thì mình gặp cũng vài lần, và cũng có tham khảo nguồn Trung tâm trợ giúp của Facebook, nên cũng dịch là okay số dư trong tài khoản quảng cáo thủ công. Mình cũng khá bực bội với cái trung tâm này vì nhiều từ/cụm nó cứ "kỳ kỳ" sao ấy. 

    Edited by Uy Nguyen
  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Cám ơn bác Uy Nguyen nhiều nhé, mình đang điền vào đơn ạ.

  • 0
    Avatar
    Trang

    Nhiều cái kỳ kỳ mà vẫn phải theo thôi các bạn ơi. Việc của chúng ta là làm hài lòng khách hàng nên dù kỳ kỳ mà khách hàng ưng cái bụng, rút ví trả tiền và lần sau mời chúng ta dịch tiếp thì chúng ta thành công rồi.

  • 0
    Avatar
    Lê Ngọc Bảo Thịnh

    Hehe, mình thì cái nào đã có sẵn, đã dịch sẵn thì cứ áp vô thôi ko quan tâm nó kỳ hay không nữa vì cái đó kiểu như bất di bất dịch rồi, cứ dựa theo yêu cầu của họ thôi :)

Please sign in to leave a comment.